(Dân trí) – Theo nhận định từ các chuyên gia, hàng loạt sản phẩm điện tử sẽ có giá thành đắt hơn trong thời gian tới, bởi sự khan hiếm của nhiều loại chip.
Trao đổi với CNBC, các nhà phân tích cho biết nhiều nhà sản xuất chip lớn trên thế giới như TSMC, Samsung hay Intel đều đang xem xét việc tăng giá bán chip.
“Trong năm qua, các công ty này đã tăng giá chip khoảng 10-20%. Điều tương tự sắp diễn ra trong năm nay, nhưng ở mức nhỏ hơn khoảng 5-7%”, Peter Hanbury, chuyên gia về bán dẫn tại Bain cho biết.
Các nhà sản xuất buộc phải tăng giá bán chip bán dẫn bởi quá trình phát triển đang ngày càng trở nên đắt đỏ.
“Các hóa chất được sử dụng trong hoạt động sản xuất chip đã tăng giá 10-20%. Tương tự, lực lượng lao động cần thiết để xây dựng các cơ sở sản xuất chất bán dẫn mới cũng đang thiếu hụt, trong khi mức lương cần chi trả tăng cao”, Hanbury nói.
Thậm chí, TSMC đã phải gửi thông báo đến các khách hàng của họ lần thứ hai trong vòng chưa đầy một năm rằng công ty có kế hoạch tăng giá đối với chip bán dẫn. Theo Nikkei Asia, nguyên nhân của việc tăng giá đến từ những lo ngại về lạm phát, chi phí sản xuất gia tăng và các kế hoạch mở rộng của công ty.
Trong khi đó, theo một báo cáo từ Bloomberg, Samsung sẽ tăng giá bán chip lên tới 20%. Hiện tại, gã khổng lồ công nghệ Hàn Quốc chưa đưa ra bất cứ phản hồi nào về thông tin trên.
“Với sự thiếu hụt nghiêm trọng của chip bán dẫn, các nhà sản xuất có thể sẽ tính phí cao hơn với các khách hàng của họ”, Hanbury nói. Ông cũng đưa ra dự đoán rằng tình trạng khan hiếm sẽ chỉ bắt đầu giảm bớt đối với một số loại chip nhất định vào cuối năm nay.
Theo nhà phân tích Glenn O’Donnell từ Forrester, giá chip tăng không phải là điều quá bất ngờ trong thời điểm hiện tại. Đồng thời, ông cũng cho biết thêm rằng mức tăng giá sẽ đạt khoảng 10-15%.
“Sự thiếu hụt nguồn cung bán dẫn là vấn đề nghiêm trọng mà các nhà sản xuất chip đang phải đối mặt. Trong khi đó, nhu cầu của thị trường vẫn ở mức cao. Giá năng lượng cũng đang tăng, bao gồm cả giá điện. Quá trình sản xuất chip lại đòi hỏi một lượng điện năng khổng lồ”, O’Donnell nói.
Tất cả những điều trên khiến cho chi phí sản xuất ngày càng gia tăng. Chính vì thế, nhiều công ty sẽ lựa chọn giải pháp chuyển những chi phí này sang người tiêu dùng.
“Giá chip tăng sẽ khiến các nhà sản xuất thiết bị điện tử buộc phải điều chỉnh tăng giá sản phẩm đầu cuối. Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng. Nếu không tăng giá bán sản phẩm, các công ty sẽ phải chấp nhận mức lợi nhuận thấp hơn”, Hanbury nói.
Theo O’Donnell, hàng loạt sản phẩm như máy tính, xe hơi, đồ chơi, đồ điện tử tiêu dùng, thiết bị gia dụng và nhiều loại máy móc khác sẽ đắt hơn.
“Tỷ suất lợi nhuận đối với những sản phẩm này vốn đã eo hẹp. Các công ty không có lựa chọn nào khác ngoài việc tăng giá bán”, ông nói.
Syed Alam, trưởng bộ phận bán dẫn toàn cầu của Accenture, cho rằng mức độ tăng giá sẽ phụ thuộc vào tỷ trọng chi phí bán dẫn trên tổng giá thành sản phẩm.
“Với những yếu tố này, các sản phẩm sử dụng những con chip cao cấp như bộ xử lý đồ họa (GPU) hay chip xử lý (CPU) sẽ có khả năng tăng giá mạnh”, Alam nói.